Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Biển quê tôi



Quê hương tôi trải dài theo biển
Gió nhẹ nhàng cũng cấp bốn cấp năm
Dân chúng tôi chống bão quanh năm
Cảnh cơ hàn oằn lưng với biển

Thủa xưa Lạc Long Quân dẫn con xuống biển
Rồi bao lớp người vẫn cưỡi sóng ra khơi
Chống lại bao quân thù chiếm biển quê tôi
Chúng phơi xác nơi Bạch Đằng, Rạch Gầm Xoài Mút

Lịch sử chúng tôi, máu chưa bao giờ ngừng trút
Giặc nhòm ngó từ những ruộng lúa, nương chè tới biển đảo quê hương
Lịch sử chúng tôi sống cạnh quân thù nhưng cũng có những tấm gương
Từ cậu bé Phù Đổng, Hoài Văn Hầu cho đến Quang Trung hay Hưng Đạo Vương

Máu chúng tôi luôn sẵn sàng đổ vì biển
Dù quân thù phía trước, dù bão tố thiên nhiên
Nhưng những người dân tôi vẫn kiên cường bám biển
Chưa bao giờ biết hổ thẹn với tổ tiên
Người dân cày quê tôi chưa bao giờ bị khuất phục
Những anh hùng vì biển quê hương,
Hoàng Sa quê hương tôi, 
Trường Sa quê hương tôi
Việt Nam quê hương tôi.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Đối ẩm

Chẳng thể Vua, Quan cũng chẳng Dân
Ta, nguời chân chỉ, chẳng tùng quân
Xứ Đoài nghênh đón mời ta lại
Tản Viên, đối ẩm, bóng thi nhân

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Phú Thọ lãng quên


Nàng vẫn ngồi đây bến Sông Thao
Đợi đợi chờ chờ thế mãi sao?
Bao năm mong ngóng không người lại
Khách ghé qua đây chả ai vào



Ai bỏ quên em Phú Thọ ơi?
Anh về phố vắng thấy chơi vơi
Đò ngang bến cũ người đi vắng
Chả buồn níu bước, Sông Thao ơi!


 

Đò ngang Phú Thọ

Thọ thì có thể, Phú thì không
Phố xá u buồn, nép bên sông
Se se gió lạnh, thuyền giữa bãi
Lặng lẽ trên bờ ta trống không?

Sao cứ u buồn thế phố ơi?
Bao năm chả khác vẫn đơn côi
Đò ngang, Thu muộn ta tìm tới
Người bỏ đâu rồi? ta chơi vơi.

Sớm Hà Thạch

Sáng dạy tập thể dục
Đợi bình mình ngó lên
Trước khi đi ăn sáng
 Nhưng trời nay ngủ quên

Dừng chân nơi Hà Thạch
Heo may bên bến sông
Trời hơi se se lạnh
Bâng khuâng ở trong lòng

Phía sau núi Tản Viên
Trước mặt là Hoàng Liên
Núi ơi cho ta hỏi
Nơi đâu chốn bình yên?

Sao mặt trời chạy trốn?
Kinh sáng ta hỏi Cha
Người lặng thinh không nói
Để mặc ta với ta

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Giấc mơ ban ngày?


Đĩ Bãi Hậu Sinh Lã Gia vè

Đêm Thu mơ ngủ đối trăng
Trà ngon, đánh tiếng mời Hằng góp vui
Giật mình tỉnh giấc đã Mùi
Vội ghi chép lại góp vui mấy lời:

Các bạn đồng chí ta ơi
Nạt Viêm tôi có một người nớt xi
Đặt tên là Nguyễn Gia Ky
Ngọc, Ngà chả thiếu thức gì đồ chơi
Voi, Tê  Ky để ngắm chơi
Đôi bên bày biện một đôi tranh Đường
Có kẻ biếu đỉnh đốt hương
Tủ chè, sập gụ, giá, gương, lục bình

Từ ngày dọn tới Đam Tình
Ngàn tên tiểu tướng, chúng sinh theo hầu
Nghị quyết Ky đọc làu làu
Nhưng mà thực tế trong đầu nát thinh

Gia nhân, giúp việc quanh mình
Ky cho mỗi đứa một dinh cơ tiền
Tài sản đủ cả ba miền
Khắp nam chí bắc đều tiền của anh

Đứa út trước học ở Anh
Khỏi cần học tiếp cho thành đảng viên
Về làm ở đoàn thanh niên
Mai sau hy vọng nối liền nghiệp cha

Con cái anh có tới ba
Hai trai, một gái đều là đảng viên
Lớn xây dựng, gái làm tiền
Cũng đứa con gái làm phiền lòng anh
Quát mắng nó đến thất thanh
Nay thì nó cũng trở thành đại gia
Mặt dâm đãng, tính trăng hoa
Nay thì nó đã dâu nhà Nguyễn Bang
Cũng nhờ cái lão Tư Sang
Xác nhận nhà rể chỉ hàng bạch đinh

Làm ăn với bọn thằng Bình
Tiền dân đóng thuế một mình nó tiêu
Con này tính nó rất liều
Không con họ Nguyễn nó tiêu lâu rồi

Cạp đất ở khắp nơi nơi
Dân nghèo mất đất, đời đời đói ăn
Cướp đất ở bên Sông Văn
Cướp không lên tới cả trăm mẫu điền

Đớp, hít với bọn thằng Kiên
Rút tiền nhà nước, lừa tiền Sa Com
Chỉ là con bé ranh con
Sơ sơ tiền nó vừa tròn bảy tư
Tỷ đô đó là số dư
Cái đó chả biết thực hư thế nào?

Trời Phật thì ở trên cao
Tạo nghiệp, tổn phúc chúng nào có hay
Lại mang cái mặt ta đây
Bán cả đất nước cho đầy túi gang

Từ Phú Quốc tới Văn Giang
Mỗi lần cướp đất hàng ngàn sai nha
Đánh đập kể cả đàn bà
Dân cày mất ruộng, mất nhà, mất quê

Có nhà cũng phải ra đê
Chúng cướp, chúng phá bốn bề ao tôm
Đầu năm vào buổi sớm hôm
Không thể chịu nổi dân đòm công an
Bắn vào cái lũ quan tham
Dương Nội, Đại Bái xuống tham chiến cùng
Nam Định Vụ Bản khốn cùng
Cướp thêm một mảnh ở vùng Vĩnh Yên

Thất nghiệp, vỡ nợ triền miên
Kinh tế sa sút vì tiền Vi Na
Sin, Lai, Dầu, Điện, Nếc, Đà
Nay còn bao nợ, Thanh tra tỏ tường

Trăm sự cũng tại lão Trương
Lại thêm lão Phú chặn đường Ky đi
Xưa kia đệ tử gối quỳ
Để xin ít lộc, một ly, một hào
Hôm nay chả thấy đứa nào
Chỉ cho Ky biết vì sao phải làm

Từ ngày cạp đất người Chàm 

Nhận Tang Đố Mộc làm hàng tử tôn
Vì thương con gái giận hờn
Cưới luôn cho đứa Tang Môn về nhà
Lại thêm có một Lão Già
Hưu rồi nhưng vẫn ba hoa giữa giời
Sợ Lão nên có lời mời
Đưa con giai lão về ngồi kế bên

Từ ấy sóng gió nổi lên
Trong tay ấn kiếm lại thêm Quan Thày
Sai nha súng kiếm trong tay
Ai mà chống đối bắt ngay bỏ tù
Cái bọn yêu sách''con cu''
Cho chúng nó gặp Lão Cù luật sư
Chả biết sai, đúng, thực, hư
Đập cho chết hết không trừ một ai

Nhưng rồi có lúc đổi ngai
Thiên đình một lúc thêm hai Cụ Già
Đời riêng không chút xa hoa
Cuộc sống đạm bạc, không nhà không xe
Vinh hoa phú quý đều chê
Phát ngôn hành động hướng về nhân dân

Thiên đình từ đó hai sân
Hai bên tính kỹ những phần thiệt hơn
Pháp sư cúng bái sớm hôm
Bùa ngải đèn nến hương thơm suốt ngày
Đền Nam miếu Bắc đủ đầy
Thần Phật đủ cả, lẫn bày chúng sinh
Yêng hùng tụ họp quần sinh
Làm sao đối lại thiên đình này đây?
Tháng Tuất chẳng phải vận may
Lại thêm tụ họp đúng ngày đại hao.

Anh em đặt cửa đi nào
Tam Quan, Tứ Phủ xuống bao nhiêu tiền?
Trăng suông, gió lạnh ngoài hiên
Tiền bạc Ky đã gửi Miền Suýt Dơ 
Còn ta thôi cứ đợi chờ
Liệu chăng đang có giấc mơ ban ngày?

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Nhất Bộ - Nhất Bái, có nhất thiết phải làm?

Nhất bộ nhất bái, đi một bước, lạy một lạy là một nghi thức có lẽ gần như cách các nhà sư Tây Tạng vẫn làm là đi ba bước, lạy một lạy. Đó là một cách thức tu tập hành đạo. Trong đạo Phật có 84 ngàn phép tu. Đó có lẽ là một cách. Cũng có thể chỉ là một nghi thức nào đó. Nhà cháu cũng không có nhiều điều kiện để tìm hiểu về nó.

Nhưng, dù gì thì đó là một việc làm khó khăn gian khổ. Không phải ai cũng làm được. Nhưng chắc là cách mà những nhà tu hành Tây Tạng làm cũng chỉ là Tam Bộ Nhất Bái trong một khoảng cách nào đó chứ không phải hàng ngàn cây số từ Thành Phố Hồ Chí Minh dự kiến đến Yên Tử mà nhà nhà sư Thích Tâm Mẫn đang làm.




Hôm 31 tháng 5, trên đường đi công chuyện từ Hà Nội vào Thanh Hóa thì gặp đoàn người dừng lại ở đoạn gần Ninh Bình. Người thì quét đường, rồi thì một số chắp tay vái lạy. Nhà báo Trần Việt của TTX có nói đó là ông nhà sư đi một bước, lạy một lạy mà anh không biết à? Quả thật cũng không biết lắm.

Tò mò của nhà báo, dừng xe ven đường để sang chụp ảnh thì bị đuổi quầy quậy. Muốn chup gần thì bị xua đuổi. Rồi một đám lâu nhâu đứng xung quanh, mặt bặm trợn, khoanh tay chỉ trỏ. Chả hỏi han được gì, thấy hành động của những người đi cùng cũng không đẹp. Về nhà suy nghĩ nhiều.

Tìm trên mạng thì biết, đó là Đại Đức Thích Tâm Mẫn của Chùa Hoằng Pháp. Ngài phát nguyện đi một bước, lạy một lạy bắt đầu từ Chùa Hoăng Pháp đến Yên Tử dài cỡ 2000 cây số. Theo như thông tin có được, ngài hy vọng điều đó sẽ giúp Ngài rũ bỏ được mọi nghiệp chướng trong quá khứ. Theo như thông tin có được, Ngài trước đây là một bác sỹ nhưng chẳng may gặp sự dữ, rắc rối ập đến và ngài đã xuất gia theo Phật.


Trên internet cũng nói là Ngài chỉ có hai đệ tử đi cùng thôi. Nhưng nay nhìn thấy nhiều quá. Hình thức và hành động thì giống giang hồ hảo hán hơn là con nhà Phật.

Nhà cháu suy nghĩ thế này:

Nếu làm được như Ngài thì nhà cháu không thể làm được. Mà, mạn phép, Thày của nhà cháu là Đại Lão Hòa Thượng Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ chắc cũng không làm được. Mà làm được chắc Cụ Pháp Chủ cũng không làm.

Nhưng làm như thế để làm gì nhỉ? Làm như thế có thật trả hết được nghiệp dữ đã gây ra không nhỉ? Rồi thì cách thức làm như thế có đúng với giáo lý nhà Phật không nhỉ?

Khi Thái Tử Tất Đạt Đa (tức Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật), xuất gia, hành đạo, Ngài rũ bỏ mọi hào quang, bỏ ngai vàng bỏ cả mái tóc để trở nên nghèo hèn và xấu xí. Ngài trở nên con người giản dị và cả người đày tớ Ngài cũng không cần mang theo. Vậy thì việc làm mà phải phiền hà đến người đi theo phục dịch, rồi những người phục dịch này lại làm phiền hà rồi phiền lòng đến nhiều người đi đường thì có phải là đang trả nghiệp hay lại là gánh thêm nghiệp không nhỉ? Rồi thì cách thức phô trương mà vô tình hay hữu ý chuyến đi mang lại liệu có đúng tinh thần giản dị của đạo Phật không nhỉ?

Hôm nhà cháu quy y, Cụ Pháp Chủ dạy rằng, Quy là quay đầu trở lại, Y là nương tựa. Quy Y Phật là quay đầu lại để nương tựa Phật. Theo Phật tức là làm theo điều Phật dạy là làm lành, tránh ác và giúp đỡ người khác. Quy y theo Phật rồi để mình giác ngộ rồi giúp người khác giác ngộ. Khi làm lễ, Cụ Pháp Chủ tụng kinh tiếng Việt. Người khác thì tụng: Nhất Thiết Cung Kính, Nhất Tâm Kính Lễ Thập Phương Pháp Giới Thường Trụ Tam Bảo. Cụ thì tụng: Dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng ở khắp mười phương. Thế là ai cũng hiểu.

Đạo Phật đơn giản thế thôi. Rồi thì Cụ già quá rồi, chân tay yếu, ngồi không thể như người khác. Cụ ngồi lệch, một tay gõ cả chuông lẫn mõ. Buổi lễ vẫn thành tựu viên mãn. Anh em đạo hữu cứ theo lời Pháp Chủ dạy, tu theo tâm Phật, làm theo lời Phật dạy.

Mọi thứ ĐƠN GIẢN, DỄ HIỂU, HIỆU QUẢ. Lễ có thể không cần nhiều nhưng với Tam Bảo thì phải kính. Đối với Ta Bà thì phải xả. Chấp Ngã phải phá để trở nên con người theo những gì mà Phật dạy.

Nhà cháu đã gọi điện cho một Sư Thày mà nhà cháu quen ở Chùa Hoằng Pháp nhưng không thất bắt máy. Nhà cháu sẽ mang chuyện nay thưa với Hòa Thượng Pháp Chủ, rằng nên thế nào? Có nên chăng phải làm như thế không? Có nên đi cả vài năm trời với bao phiền toái với thiên hạ như thế này không? Hay thời gian đó, dành giúp cho bao cảnh đời đau khổ vượt qua tai nạn?

Hà Nội, đêm rằm tháng 6 năm Nhâm Thìn.

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Ước mơ giản dị

Bài hát này rất giản dị. Ước mơ của những người lính cũng giản dị quá. Khi không còn chiến tranh, không tiếp tục cầm súng, họ chỉ mơ được là người lái máy cày trên nông trường. Mơ làng quê mình có con kênh đào, lúa xanh hai mùa, mát cánh đồng.

Yêu quá những người lính, những chàng trai của tuổi đôi mươi với ước mơ trong sáng và giản dị.

Xin chép lại đây nguyên văn lời bài hát.

Đồng đội/Tác giả: Hoàng Hiệp

Chúng tôi ngồi kề vai bên nhau
Trăng trôi trên đầu súng
Ánh lửa hồng đủ soi đêm sâu
Làn khói che sương mờ

Bạn tôi đang mơ nơi làng quê yêu dấu
Có con kênh đào, lúa xanh hai mùa, mát cánh đồng
Còn tôi đang mơ, mơ người tôi yêu dấu
Cách xa muôn dặm mà lòng không xa

Chúng tôi nằm đầu gối trên tay
Nghe chim kêu ngoài bãi
Mắt đưa nhìn trời sao lung linh
Chuyện mãi quên đêm dài

Bạn tôi cho hay, sau này xong chiến đấu
Sẽ lên nông trường, sớm hôm trên đồng lái máy cày
Còn tôi mong sao, bao ngày tôi đang sống
Sẽ không bao giờ mờ nhạt mai sau

***
Giữa khu rừng ngàn năm thâm u
Nơi biên cương Chùa Tháp
Chúng tôi cùng ngồi trao suy tư
Cùng thắp ngọn lửa hồng

Cùng chia cho nhau, bao hiểm nguy gian khó
Giữa cơn mưa nguồn, những khi lưng tựa vách chiến hào
Nhiều khi vui sao, đang hành quân chiến đấu
Lá thư quê nhà chuyền tay cho nhau

Bạn tôi đang mơ nơi làng quê yêu dấu
Có con kênh đào, lúa xanh hai mùa, mát cánh đồng
Còn tôi đang mơ, mơ người tôi yêu dấu
Cách xa muôn dặm mà lòng không xa

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Hà Tây và chuyện thay tên đổi họ.

Đời ai cũng sẽ có một cái tên. Tên để gọi, tên để phân biệt với nhau. Tên đôi khi cũng là tính cách, là con người.

Đối với địa danh cũng vậy. Địa danh nào cũng có cái tên để phân biệt.

Sự giống nhau giữa tên người nó cũng giống như địa danh. Mang lại nhiều vui buồn hỷ nộ ái ố.

Thường thì tên người không thay đổi từ lúc được đặt tên khi mới sinh, cho đến lúc chết. Nhưng cũng có những trường hợp thay đổi. Ví dụ như một số nhà cách mạng, vì đảm bảo an tòan cho quá trình họat động, họ đã đổi tên. Còn nhà cháu bên nội họ Nguyễn nhưng gốc họ Lã. Vì thế, sống thì mang họ Nguyễn nhưng chết đi thì đổi lại thành Lã hết. Bên ngoại thì mang họ Phạm nhưng gốc họ Nguyễn nên khi chết đổi lại thành Nguyễn.

Một số tên thật trong khai sinh nhưng tên cúng cơm thì khác. Ví dụ như Thái An nhưng ở nhà gọi là Ngộ. Trà My là Cún,... Đám cưới Đức Anh và Hải Vân, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý phát biểu: Hôm nay cưới cháu Tẹo... Tẹo là tên ở nhà của Đức Anh.

Tên địa danh thì cũng thay đổi nhiều với các lý do khác nhau.

Chẳng han như việc xưa kia kiêng tên húy của Hoàng Gia mà người ta phải đổi tên địa danh.

Nhưng gần đây còn sự thay đổi do việc sát nhập.

Việc này nó đem lại sự phiền tóai cho những người đi xa hoặc tìm kiếm thân nhân các liệt sỹ.

Chẳng hạn như Liệt sỹ Hà Văn Toản ở Đường Lâm Sơn Tây Hà Nội. Trên bia mộ của ông thì ghi: Liệt sỹ Hồ Văn Toàn, Đồng Lâm, Tùng Thiện, Hà Tây. Tùng Thiện cùng với Quảng Oai và Bất Bạt thành lập nên huyện Ba Vì, sau này Đường Lâm trở thành một xã của thị xã Sơn Tây. Và ở đây không có địa danh nào là Đồng Lâm.

Nhưng xem ra cái đó chưa khó tìm. Còn có cái bia trên đó ghi Phú Hòa, Văn Tiên, Nam Mãi. Không biết đến bao giờ mới tìm được đây? 

Xem ra cái sự thay tên đổi họ cò nhiều bất cập thật.

Quê nhà cháu xưa kia có tên Hồng Châu, nay đổi lại thành Tự Nhiên. Trên bia mộ của anh gia nhà cháu ghi: Liệt sỹ Nguyễn Thế Hệ, quê quán: Đồng Châu, Thường Tín, Hà Tây. Nay Hà Tây cũng không còn. Còn Thường Tín thì không có địa danh nào là Đồng Châu. May là có ai đó hiểu rằng có một cái tên tương tự là Hồng Châu mặc dù nó cũng chả còn. Vì thế mà anh giai nhà cháu hy sinh năm 1968 mà nay gia đình mới biết nơi an nghỉ. Cùng với những đồng đội của anh Hệ, rất nhiều người cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Trên bia mộ toàn bị ghi sai hoặc thậm chí địa danh đó không tồn tại hoặc không còn tồn tại.

Thuế

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước.

Cái khái niệm mà mọi nguời vẫn nhắc đến đó là tiền của nhà nước hay đã có ngân sách nhà nước lo xem ra không chuẩn lắm.

Tiền chi ra mọi người thường hiểu là tiền chùa đó chính là đóng góp từ tiền thuế của nhân dân trong đó có nhà cháu.

Xem ra nó không hề ít.

Kiếm 10 đồng thì nay phải đóng tới 2,5 đồng. Nhiều thật!

Nhưng xem ra ngoài cái quyền được nộp thuế, nhà cháu không biết mình có cái quyền gì khác không đây?

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Chứng Minh Thư với cái tên Hà Tây

Mọi sự thay đổi đều xuất phát từ ý tưởng mong muốn tốt đẹp hơn. Chí ít thì cũng nên nghĩ tích cực như vậy.. Việc Hà Tây và Hà Nội hợp nhất, nói theo ngôn từ trong các văn bản chính thức, còn nói theo cách dân gian thì Hà Tây nhập vào Hà Nội. Cái tên Hà Tây một lần nữa lại bị giết chết.

Hà Tây thật ra cũng không phải là sản phẩm nguyên bản. Hà Tây là sự kết hợp của hai vùng đất. Vùng Sứ Đoài mây trắng bay Sơn Tây Núi Tản Bà Vì và vùng đất Hà Đông quê lụa ngàn năm "văn kiện".

Sự kết hợp giữa Hà Đông và Sơn Tây đẻ ra cái tên Hà Tây. Cái tên này có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đó nhà cháu chưa sinh ra. Vì thế không nhớ chính xác là năm nào.

Sau khi thống nhất đất nước, chuyển sang thời kỳ đại cách mạng tiến tới làm ăn nhớn xã hội chủ nghĩa. Sự hợp nhất tiến ra rộng khắp. Hiếm có địa phương nào không bị sát nhập. Hà Tây đã là sản phẩm kết hợp rồi vẫn được kết hôn một lần nữa với anh miền núi Hòa Bình.  Đẻ ra ông Hà Sơn Bình mà dân gian vẫn thường gọi là Hà Sơn Buồn. Hà Sơn Buồn, lắm con buôn, buôn bánh mỳ một chiếc ba hào.

Cùng với đó là là Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ), Bắc Thái (Bắc Cạn và Thái Nguyên), Vĩnh Phú (Vĩnh Yên, Phúc Yên và Phú Thọ), rồi cho đến Nghệ Tình (Nghệ An và Hà Tĩnh), Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).... Từ Lũng Cú (Hà Tuyên gồm Hà Giang và Tuyên Quang) cho đến Mũi Cà Mau (Minh Hải gồm Cà Mau và Bạc Liêu)... đâu đâu cũng sát nhập tỉnh.


Không chỉ cấp tỉnh, mà còn sát nhập cho đến cấp huyện, cấp xã. Kèm theo đó là chuyện đổi tên.

Và rồi nó cũng đã bắt đầu ly hôn mà ngôn từ chính thống là tái lập tỉnh bắt đầu là anh Hà Sơn Bình năm 1991 và một lọat sau đó. Đến tận gần đây vẫn tách như Lai Châu và Điện Biên, như Đắk Lắk và Đắk Nông.

Nhưng dù sao cái tên Hà Tây nó vẫn mang dáng dấp và nét riêng của vùng đất văn hiến trăm nghề. Thế mà ngày 1 tháng 8 năm 2008, có đã bị khai tử lần nữa.

Nhà cháu vẫn thích cái tên đó. Chả gì chứ nó vẫn được ghi trong Chứng Minh Thư Nhân Dân là Quê Quán: Thường Tín, Hà Tây. Một ngày nào đó, người ta lại tách ra, thế là mình lại không phải đổi Chứng Minh Thư Nhân Dân.

Mọi người thường nói là Hà Tây sát nhập vào Hà Nội. Nhà cháu thì cho rằng như vậy là không đúng. Anh Hà Tây to hơn anh Hà Nội vì thế phải gọi là Hà Nội sát nhập vào Hà Tây. 

Nhưng nhiều người nói Hà Tây không còn tên. Nói thế chưa chính xác. Mỗi anh giữ một chữ. Hà Tây giữ chữ Hà. Hà Nội giữ chữ Nội. Thế là ghép lại thành Hà Nội.

Nhưng sự thật thì việc đổi tên đem lại nhiều hệ lụy vô cùng, đặc biệt đối với người đi xa. Nhà cháu sẽ quay lại vấn đề này trong thời gian sớm nhất

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý

Nhà cháu rất yêu những bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý.Từ Dư Âm đến Dáng đứng Bến Tre, Mẹ yêu con, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ...

Thời gian thấm thoắt trôi. Thời gian đủ để biết nhiều tác phẩm khác của người nhạc sỹ đã sáng tác nên những bài hát này. Và trong thời gian đó, nhà cháu cũng đã có dịp được gặp người nhạc sỹ tài hoa này.

Tiếng Việt Tý thường gắn với cái gì là bé nhỏ. Nhưng những gì ông làm được không hề bé nhỏ. Ông đã có những đóng góp không hề nhỏ cho kho tàng âm nhạc của quê hương.

Ông tên là Tý, cô cháu gái ông tên là Tẹo.

Tẹo tên thật là Đức Anh, có chồng là Hải Vân, bạn học của nhà cháu thời Chuyên Toán. Sau anh Vân du học ngành Luật bên Đức.

Hôm đám cưới cháu gái ông, nhà cháu được gặp ông.

Hôm nay, tình cờ xem được video clip trên Youtube tại địa chỉ:

http://www.youtube.com/watch?v=NiFHMRZa6SU&feature=related

Đọan này của tác giả Huyenlam. Xin cảm ơn tác giả Huyenlam.

Xem xong thấy thật xót xa.

Người ta vẫn sử dụng các tác phẩm của ông mà chỉ có Trung Tâm Bản Quyền Tác Giả của Hội nhạc sỹ Việt Nam trả tiền bản quyền cho ông, nhưng phải 3 tháng 1 lần. Ông sống trong khó khăn và người ta sử dụng tác phẩm của ông mà chả thèm trả cho ông một đồng như cái trung tâm to đùng là Thúy Nga Paris.

Thương cho số phận của những người nghệ sỹ. Thương ông và nghĩ đến mình.

Nghĩ dại! Một ngày nào đó, một người trẻ tuổi nào đó đến ghi hình và đưa tin: Nhà báo Nguyễn Huy Khâm, người đã xông pha từ Nam chí Bắc, từ Đông sang Tây, đang sống những năm tháng cuối đời trong nghèo khó. Ảnh ông chụp được in nhiều trên khắp thế giới nhưng không có tiền nhuận ảnh.

Vesak Day ceremony - Đại Lễ Phật Đản

Hình ảnh lễ Phật Đản diễn ra tại chùa Dược Thượng, ngoại thành Hà Nội.


Ngày lễ Phật Đản đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày hòa bình thế giới. Thực ra, tiếng Anh gọi ngày lễ Phật Đản là Vesak Day và khi dịch ra tiếng Việt phải gọi ngày này là ngày Tam Hợp mới chính xác. Ngày tưởng nhớ tới ngày Đức Phật Đản Sinh (birthday), ngày Đức Phật Thành Đạo (enlightenment) và ngày Ngài nhập Niết Bàn (entry into the Nirvana). Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chỉ gọi chung là ngày Phật Đản.


 Hàng năm, cứ đến độ Xuân Hạ giao mùa, khắp không gian của cảnh giới Ta Bà ngào ngạt hương sen, đó là thông điệp báo hiệu mùa Phật Đản lại về.
Nhân loại ơi! Có hay chăng một đấng đại giác mới ra đời.
Thế gian ơi! Sung sướng biết bao một bậc toàn giác vừa xuất thế.
Ôi hân hoan khắp các tầng trời, ôi hạnh phúc ngập tràn muôn cõi.



Ngược dòng thời gian, cách đây trên 2600 năm. Vào mùa trăng tròn tháng 4 năm 624 trước Công Nguyên tại kinh thành Ca Tỳ La Vệ trong vườn Lâm Tỳ Ni dưới gốc cây Vô Ưu, Thái Tử Tất Đạt Đa ra đời. Vào một sớm mai trăng tròn đầu hạ, chim thi nhau trút giọng trên cành, hoa thi nhau trải màu trên lá và hương thơm từ muôn phương dồn lại xông lên ngạt ngào lan tỏa khắp trần gian. Cả vũ trụ đang lắng  chìm trong biển từ bi hoan lạc. Thế giới Ta Bà đang tưng bừng đón chào Đức Thích Tôn giáng sinh.

 Thái An đang ngồi tụng kinh cùng Bác Sâm

 Hòa Thượng Thiên Ý từ Huế ra.

 Chùa Dược Thượng nổi tiếng với việc thờ Dược Sư và các khóa cúng Dược Sư.



Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Lễ Truyền Chức Linh Muc và Phó Tế cho anh em Đan Sỹ dòng Xi Tô Châu Sơn- Priests and Deacons Ordination ceremony at Citeaux Chau Son abbey

Thánh lễ 29/4 là Tuần Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh, ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành và cũng là Thánh Lễ Truyền Chức cho 3 Thày Phó Tế lên hàng Linh Mục và 3 anh em lên hàng Phó Tế.

Họ đều là các Đan Sỹ thuộc Tu Viện Dòng Xi Tô (Citeaux Abbey). Một dòng tu có từ thế kỷ thứ 11, xuất phát từ Pháp, một dòng tu theo luật Biển Đức (Benedict).

Dòng Citeaux Châu Sơn tọa lạc trên một vùng đất ven Sông Hoàng Long, tựa vào dãy Tam Điệp thuộc địa phận huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, miền Bắc Việt Nam thuộc Giáo Phận Phát Diệm, cách Thủ Đô Hà Nội khoảng 120 km (74 dặm) về phía Nam. Vào thời hưng thịnh, nhà dòng có diện tích trang trại và đồn điền lên đến nhiều km2. Trước đó, khu vực này là đồn điền cà phê Lacombe dài 12km rộng 9km

Đây là một dòng tu kín với linh đạo là CẦU NGUYỆN và LAO ĐỘNG (ora et labora). Các tu sỹ ở đây gọi là các đan sỹ. Anh em sống với nhau chan hòa, yêu thương trên tình thần dân chủ, tôn trọng và yêu thương trong Chúa Kito.

Anh em tự lao động để nuôi sống bản thân mình. Vì thế, việc tổ chức lao động sản xuất với Nhà Dòng là một việc làm quan trọng và sống còn đối với sự tồn tại của Nhà Dòng.

Trong khuôn viên Nhà Dòng gồm phần dành cho lao động và sản xuất; phần nội vi dành cho việc sinh hoạt nội bộ và học tập. Phần nhà khách để đón tiếp khách đến thăm quan và tĩnh tâm. Với các đan sỹ ở đây, họ có thể ăn uống kham khổ nhưng với khách thì không. Các đan sỹ tiếp khách như tiếp Chúa Jesus Christ.

Phần trung tâm là nhà thờ. Nơi các đan sỹ và khách dùng làm địa điểm cầu nguyện, tụng kinh và phụng vụ thánh lễ.

Nhà thờ này do chính các đan sỹ tự thiết kế và xây dựng. Bản thiết kế chỉ có ở trong đầu Cha phụ trách xây dựng. Trong quá trình xây dựng, không có một viên gạch nào phải chặt làm đôi. Cần viên to, nung viên to. Cần viên nhỏ nung viên nhỏ. Cần viên hình thù thế nào thì sản xuất viên hình thù như thế. Và bên ngoài vẫn là những viên gạch đỏ tươi chứ không hề trát vôi vữa. Từ trên cao nhìn xuống, nó như một bông hoa hồng đỏ trong vườn hoa xanh ngát. Vì không có bản vẽ thiết kế, nên khi biến cố xảy ra, tháp chuông chưa hoàn thiện và cho đến ngày nay, không ai biết phải xây tháp chuông như thế nào.

Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức Rước Lễ. Theo sau Thánh Giá nến cao là một Thày Phó Tế mang sách Phúc Âm (Gospel). Tiếp theo là các Tiến Chức cho buổi truyền chức hôm nay.

Thày Peter Bùi Xuân Phê, Thày Gregorio Phan Văn Đạo, Thày Bernadino Đinh Văn Thái, Thày Eugenio Vũ Văn Xuân, Thày Joseph Nguyễn Văn Tám và Thày Assisio Trần Văn Lưu.

Với ơn gọi đời sống đan tu, họ cũng không bao giờ coi việc đi tu và một ngày trở nên hàng giáo sỹ nhưng dù sao nó cũng vô cùng quan trọng và ý nghĩa với anh em. Họ trở nên gần gũi hơn với chức vụ mới - Tư Tế Thừa Tác của Chúa Jesus Christ 
 

 Tham dự buổi Thánh Lễ Hôm nay ngoài Đức Cha Joseph Nguyễn Năng, Giám Mục Phát Diệm, còn có Đức Cha Joseph Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội. Quý Cha trong và ngoài giáo phận tham gia đồng tế. Có lễ hiếm ở đâu, buổi lễ truyền chức Linh Mục và Phó Tế nhưng đông đảo quý Đức Cha và quý Cha đồng tế đến thế. Chỉ có thể giải thích về sự ưu ái và yêu thương của các Đấng dành cho các anh em đan sỹ nơi đây.

Sự hiệp thông và sốt sắng của các giáo dân, giáo sỹ có vẻ không hợp lắm với không gian của nhà thờ vốn thiết kế danh cho sự yên tĩnh cầu nguyện hơn là các buổi lễ hoành tráng.

Hai hàng ghế hai bên vốn để kinh thánh và là chỗ các đan sỹ cầu nguyện thì hôm nay dành cho các tu sỹ nam nữ đến dự lễ. Khoảng trống của nhà thờ hôm nay kê thêm ghế dành cho thân nhân các Tiến Chức. Giáo dân ngồi phía sau, phía trên và hai bên hành lang của nhà thờ.


 
 Peter Bùi Xuân Phê, Gregorio Phan Văn Đạo và Bernadino Đinh Văn Thái hôm nay sẽ trở thành giáo sỹ, lãnh nhận trách nhiệm tư tế của Chúa.

Còn các Thày Phó Tế Assisio Trần Văn Lưu, Joseph Nguyễn Văn Xuân và Eugenio Vũ Văn Xuân chính thức trở thành các linh mục. Các tân linh mục hôm nay đã được truyền chức phó tế trong buổi lễ diễn ra ngày 17 tháng 8 năm 2010, khi đó Cha Simon Mary Vũ Đức Hòa được tấn phong lên hàng linh mục.


 Đối với Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội Tông Truyền. Vì thế, việc đặt tay của Giám Mục lên đầu các Tân Chức, hoàn thành nghi thức nơi các Tân Chức. Hai yếu tố thiết yếu làm thành Bí Tích là việc đặt tay và lời nguyện thánh hiến.

Cha Bề Trên nhà Dòng Dominico Nguyễn Tuấn Hào (Abbot) và các linh mục đồng tế trao hôn bình an cho các Tân Chức.

 
Ngồi giữa chủ tế là Đức Cha Joseph Nguyễn Năng, Giám Mục Phát Diệm, bên trái là Đức Tổng Joseph Ngô Quang Kiệt và bên phải là Cha Bề trên Dòng Dominico Nguyễn Tuấn Hào. Cha Dominico Hào và Đức Cha Joseph Kiệt đều du học tại Pháp. Sinh năm 1975, Cha Dominico Hào là người tu sớm, có học hành, hiểu biết, khôn ngoan và chịu chức linh mục sớm. Tuy nhỏ tuổi trong số các linh mục của Nhà Dòng, nhưng Cha vẫn được lựa chọn là bề trên để coi sóc nhà Dòng lên đến hơn 100 đan sỹ.


 Từ khi được thành lập cuối những năm 30 của thế kỷ 20, Đan Viện đã có những bước thăng trầm. Và mùa xuân cũng đã đến với anh em ở đây. Hiện nay, có hơn 100 anh em chọn cuộc đời đan sỹ nơi thâm sơn cùng cốc này.

Hàng ngày, anh em chọn đời sống cầu nguyện và lao động. Một ngày nào đó, các đan sỹ nhỏ tuổi này cũng có thể sẽ bước lên Bàn Thánh, chủ sự thánh hóa các buổi lễ nhưng đó không phải là cách mà họ lựa chọn.

Trước khi bước vào nghi lễ tấn phong, cộng đoàn hát kinh cầu các thánh thì anh em Tiến Chức nằm phủ phục  (prostration). Anh em đã từng nằm như thế này nhiều lần rồi. Khi khấn dòng anh em đã nằm và tuyên khấn trở nên nghèo khó, tịnh khiết và vâng phục (vowing of poverty, chastity and obedience). Chắc không có lời khấn nào cao cả, thánh thiện hơn lời khấn này.
  

  Với anh em tu dòng thì nằm phủ phục diễn ra nhiều lần trong đời. Không chỉ là khi truyền chức linh mục hay phó tế mà cả trong các lễ khấn dòng, các khấn sinh nằm phủ phục. Nó nhắc nhở anh em, cuộc sống khiêm nhường, một hành động gần hơn với Chúa. Anh em đến để không phải được phục vụ mà là đến để phục vụ.
Với các nữ tu, còn có một chiếc khăn phủ chung lên, nhằm nhắc nhở cùng ăn, cùng ở, cùng tu và cùng chết với nhau. Có lẽ không có cái gì diễn tả nổi nghi thức thể hiện sự khiêm nhường khi nằm phủ phục, nhắc nhở ý thức phục vụ chứ không phải là được phục vụ.





Anh em quỳ lạy để nghe Đức Cha chủ tế diễn nghĩa các chức vụ Tư Tế Thừa Tác của Chúa Jesus Christ mà anh em vừa lĩnh nhận.

Trong nghi thức tấn phong, anh em Tiến Chức được xức dầu (anointed) bàn tay biểu thị cho việc tham dự đặc biệt vào chức Tư Tế của Đức Jesus Christ. Đôi bàn tay từ nay cử hành các Bí Tích và hiến dâng hy lễ thánh hóa dân Chúa.

Được trao chén thánh. Nhắc nhở các tiến chức hãy ý thức việc mình làm, noi thoe điều thực hiện và rập đời sống theo khuôn mẫu thánh giá Chúa.

Được trao sách Phúc Âm (gospel). Khi trao sách Phúc Âm, Đức Giám Mục nói: Con  hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Jesus Christ, hãy trở thành người rao giảng, và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy.
 
 Cha Joseph Phạm Minh Triệu và các Linh Mục đặt tay lên đầu Tân Linh Mục Assisio Trần Văn Lưu và các tân linh mục khác. Nghi thức tông truyền này có từ thời kỳ tiên khởi của Giáo Hội, cũng là thể hiện sự trao ban ơn khôn ngoan và đón nhận anh em vào Linh Mục Đoàn.


 Tân Phó Tế Bernadino Đinh Văn Thái người vùng Phát Diệm. Gia đình có hai anh em đi tu. Cô em tu ở dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Thái kém tuổi nhà cháu. Hai anh em quý nhau. Khi còn theo học ở Đại Chủng Viện Thánh Joseph tại Hà Nội, nhà cháu thường mang cà phê vào chỗ Thái để uống cùng Thái, Simon Hòa và John Bùi Đình Sơn. Thái cũng thường về chơi và ăn tối ở nhà cháu.

Mặc dù không bắt buộc ăn chay nhưng các thày tu luôn khiêm tốn và giản dị từ ăn uống, đi lại, sinh hoạt và cư xử với mọi người. Sự có mặt của anh Khâm làm Thái và Đạo rất vui.

 
 Nếu như Bernadino Thái tốt nghiệp Đại Chủng Viện Thánh Joseph thì Gregorio Đạo tốt nghiệp Học Viện Dòng Citeaux. Cả Thái và Đạo đều tham gia lớp truyền thông khóa 1 của Hội Đồng Giám Mục. Khi đó Đức Cha Peter Nguyễn Văn Đệ làm Chủ Tịch Ủy Ban Truyền Thông, Giám Mục Phụ Tá Bùi Chu. Nay Ngài làm Chủ Tịch Ủy Ban Tu Sỹ và là Giám Mục Thái Bình thay Đức Cha Francis Xavie Nguyễn Văn Sang nghỉ hưu. Khóa học do Đức Cha Peter Đệ và Cha Peter Nguyễn Văn Khải tổ chức.



 Đức Cha Joseph Ngô Quang Kiệt dự Thánh Lễ nhưng Ngài chỉ ngồi yên một chỗ. Ngài mệt nặng vài hôm nay rồi. Ngài bị bệnh huyết áp thấp. Vì thế Ngài đã từ bỏ vương quyền ở chốn đô thành về đây dưỡng bệnh.
Bệnh tình cũng đã thuyên giảm nhiều, ngủ ngon hơn, sức khỏe tốt hơn kể từ khi về đây dưỡng bệnh nhưng không hiểu sao, có thể do thời tiết chăng? Cả buổi lễ ngài chỉ nhắm mắt và ngồi bất động một chỗ, thậm chí cũng không rước lễ.

Nghi thức đặt tay lên đầu Tân Chức và trao hôn bình an cũng do các Tân Chức bước đến bên Ngài.

Nghĩ hơi xa, nhưng trước đây là từng có một Đức Giám Mục - Đức Cha John Phan Đình Phùng, được Chúa gọi về khi sau khi tham dự Thánh Lễ khấn trọn cho Cha Eugenio Trang tại Nhà Thờ này. Và đó cũng là lý do, tòa Giám Mục Phát Diệm "bắt đền" Nhà Dòng bằng việc "bắt" Cha Bề Trên Tiên Khởi (First-ever Abbot) Thadeus Lê Hữu Từ phải về làm Giám Mục Phát Diệm.
  

 Các Tân Chức chụp ảnh lưu niệm với các Đức Giám Mục và quý Cha Đồng Tế. Hàng trên cùng từ trái qua là Tân Phó Tế Bernadino Đinh Văn Thái, Tân Linh Mục Eugenio Vũ Văn Xuân, Tân Linh Mục Assisio Trần Văn Lưu, Đức Cha Joseph Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Joseph Nguyễn Năng, Tân Linh Mục Joseph Nguyễn Văn Tám, Tân Phó Tế Gregorio Phan Văn Đạo, Tân Phó Tế Peter Bùi Xuân Phê.
 Về đồng tế còn có Cha Joseph Nguyễn Văn Phượng, chánh xứ Thái Hà và cha Joseph Phạm Minh Triệu của nhà thờ Bảo Long (trước đây Cha ở nhà thờ Hàm Long).
 


 Nhà thờ của Dòng không phải nhà thờ giáo xứ hay giáo họ. Mặc dù vậy, Giám mục vẫn phân công nhà dòng phụ trách một số giáo họ Mường thuộc tỉnh Hòa Bình, gần với địa phận nhà Dòng.
Những ngày lễ lớn, nhiều giáo dân lân cận vẫn đến đây dự Thánh Lễ với các đan sỹ của nhà dòng.
Có một điều hết sức đặc biệt, là bên ngoài không trát vôi vữa nhưng bên trong nhà thờ của dòng thì vẫn được quét sơn. Chỉ có điều, đó không phải là loại sơn công nghiệp nào cả, mà đó là một loại khoáng chất được các đan sỹ của nhà dòng tìm được ở gần đó. Quét lên thành một màu vàng rất đẹp. Đó là sự kỳ diệu của vùng đất này. Không chỉ là các loại mỏ thông thường, các đan sỹ ở đây còn khai thác và chế biến một loại nước khoáng đặc biệt và cung cấp ra thị trường.

 
Nhắc đến Citeaux Châu Sơn không thể không nhắc đến Linh Mục Simon Mary Vũ Đức Hòa. Cha Simon Hòa truớc đây tên là Nhuận nhưng sau đó đổi thành Hòa. Vì đời tu thì chỉ cần hòa đâu cần lãi lờ hay nhuận làm gì (?!).

Cha Simon đã từng tham gia quân ngũ và làm tới chức trợ lý Lữ Đoàn. Nhưng sau đó không tham gia chính trị, không tham gia đảng phái và cũng không xây dựng gia đình.

Chọn cuộc sống tu hành, Cha Simon Hòa nổi tiếng là người nhân hậu, từ bi và nhiều người yêu thương. Cha Simon cũng là người vùng Phát Diệm. Ông Cố của Cha Simon Hòa cũng là bạn của Đức Cha Joseph Yến. Vì thế, trong ngày chịu chức Linh Mục ngày cách đây 2 năm, có rất đông Đức Giám Mục và Linh Mục đã về đây đồng tế. Trong đó phải kể đến Đức Cha Joseph Linh của Thanh Hóa, Đức Cha Joseph Yến, Đức Tổng Joseph Kiệt.

Ngày Cha Simon chịu chức Linh Mục cũng là ngày mà những Tân Linh Mục hôm nay là Assisio Trần Văn Lưu, Joseph Nguyễn Văn Tám và Eugenio Vũ Văn Xuân được nâng lên hàng Phó Tế.

Cha Simon Hòa hiểu biết sâu rộng về đời sống đạo đức của không chỉ đối với Đạo Công Giáo mà cả Đạo Phật.

Cha còn là một người rất giỏi về chăn nuôi, trồng trọt hay tổ chức kinh doanh cũng như dạy học. Nói đến nhà dòng Citeaux Châu Sơn không thể không nói đến Cha Simon Hòa.