Nhưng, dù gì thì đó là một việc làm khó khăn gian khổ. Không phải ai cũng làm được. Nhưng chắc là cách mà những nhà tu hành Tây Tạng làm cũng chỉ là Tam Bộ Nhất Bái trong một khoảng cách nào đó chứ không phải hàng ngàn cây số từ Thành Phố Hồ Chí Minh dự kiến đến Yên Tử mà nhà nhà sư Thích Tâm Mẫn đang làm.
Hôm 31 tháng 5, trên đường đi công chuyện từ Hà Nội vào Thanh Hóa thì gặp đoàn người dừng lại ở đoạn gần Ninh Bình. Người thì quét đường, rồi thì một số chắp tay vái lạy. Nhà báo Trần Việt của TTX có nói đó là ông nhà sư đi một bước, lạy một lạy mà anh không biết à? Quả thật cũng không biết lắm.
Tò mò của nhà báo, dừng xe ven đường để sang chụp ảnh thì bị đuổi quầy quậy. Muốn chup gần thì bị xua đuổi. Rồi một đám lâu nhâu đứng xung quanh, mặt bặm trợn, khoanh tay chỉ trỏ. Chả hỏi han được gì, thấy hành động của những người đi cùng cũng không đẹp. Về nhà suy nghĩ nhiều.
Tìm trên mạng thì biết, đó là Đại Đức Thích Tâm Mẫn của Chùa Hoằng Pháp. Ngài phát nguyện đi một bước, lạy một lạy bắt đầu từ Chùa Hoăng Pháp đến Yên Tử dài cỡ 2000 cây số. Theo như thông tin có được, ngài hy vọng điều đó sẽ giúp Ngài rũ bỏ được mọi nghiệp chướng trong quá khứ. Theo như thông tin có được, Ngài trước đây là một bác sỹ nhưng chẳng may gặp sự dữ, rắc rối ập đến và ngài đã xuất gia theo Phật.
Trên internet cũng nói là Ngài chỉ có hai đệ tử đi cùng thôi. Nhưng nay nhìn thấy nhiều quá. Hình thức và hành động thì giống giang hồ hảo hán hơn là con nhà Phật.
Nhà cháu suy nghĩ thế này:
Nếu làm được như Ngài thì nhà cháu không thể làm được. Mà, mạn phép, Thày của nhà cháu là Đại Lão Hòa Thượng Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ chắc cũng không làm được. Mà làm được chắc Cụ Pháp Chủ cũng không làm.
Nhưng làm như thế để làm gì nhỉ? Làm như thế có thật trả hết được nghiệp dữ đã gây ra không nhỉ? Rồi thì cách thức làm như thế có đúng với giáo lý nhà Phật không nhỉ?
Khi Thái Tử Tất Đạt Đa (tức Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật), xuất gia, hành đạo, Ngài rũ bỏ mọi hào quang, bỏ ngai vàng bỏ cả mái tóc để trở nên nghèo hèn và xấu xí. Ngài trở nên con người giản dị và cả người đày tớ Ngài cũng không cần mang theo. Vậy thì việc làm mà phải phiền hà đến người đi theo phục dịch, rồi những người phục dịch này lại làm phiền hà rồi phiền lòng đến nhiều người đi đường thì có phải là đang trả nghiệp hay lại là gánh thêm nghiệp không nhỉ? Rồi thì cách thức phô trương mà vô tình hay hữu ý chuyến đi mang lại liệu có đúng tinh thần giản dị của đạo Phật không nhỉ?
Hôm nhà cháu quy y, Cụ Pháp Chủ dạy rằng, Quy là quay đầu trở lại, Y là nương tựa. Quy Y Phật là quay đầu lại để nương tựa Phật. Theo Phật tức là làm theo điều Phật dạy là làm lành, tránh ác và giúp đỡ người khác. Quy y theo Phật rồi để mình giác ngộ rồi giúp người khác giác ngộ. Khi làm lễ, Cụ Pháp Chủ tụng kinh tiếng Việt. Người khác thì tụng: Nhất Thiết Cung Kính, Nhất Tâm Kính Lễ Thập Phương Pháp Giới Thường Trụ Tam Bảo. Cụ thì tụng: Dốc lòng kính lễ Phật Pháp Tăng ở khắp mười phương. Thế là ai cũng hiểu.
Đạo Phật đơn giản thế thôi. Rồi thì Cụ già quá rồi, chân tay yếu, ngồi không thể như người khác. Cụ ngồi lệch, một tay gõ cả chuông lẫn mõ. Buổi lễ vẫn thành tựu viên mãn. Anh em đạo hữu cứ theo lời Pháp Chủ dạy, tu theo tâm Phật, làm theo lời Phật dạy.
Mọi thứ ĐƠN GIẢN, DỄ HIỂU, HIỆU QUẢ. Lễ có thể không cần nhiều nhưng với Tam Bảo thì phải kính. Đối với Ta Bà thì phải xả. Chấp Ngã phải phá để trở nên con người theo những gì mà Phật dạy.
Nhà cháu đã gọi điện cho một Sư Thày mà nhà cháu quen ở Chùa Hoằng Pháp nhưng không thất bắt máy. Nhà cháu sẽ mang chuyện nay thưa với Hòa Thượng Pháp Chủ, rằng nên thế nào? Có nên chăng phải làm như thế không? Có nên đi cả vài năm trời với bao phiền toái với thiên hạ như thế này không? Hay thời gian đó, dành giúp cho bao cảnh đời đau khổ vượt qua tai nạn?
Hà Nội, đêm rằm tháng 6 năm Nhâm Thìn.