Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

30/04

Tháng 4 năm nào người ta cũng háo hức ngày kỷ niệm 30/4.
Với nhiều người thì đó là ngày chiến thắng. Với nhà cháu, còn những người thân chưa trở về.
Liệt sỹ Nguyễn Huy Cuông, liệt sỹ Nguyễn Huy Ban, Nguyễn sỹ Nguyễn Thế Hệ, liệt sỹ Phạm Hoa Lư.
Cho tới hôm nay, hai người đã xác định được phần mộ. Nhưng một người thì tấm bia trên mộ phần vẫn mang dòng chữ - liệt sỹ chưa rõ tên năm ở nghĩa trang Việt Lào (Phạm Hoa Lư) và một người thì tên đúng nhưng quê sai nằm nghĩa trang xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (Nguyễn Thế Hệ). Hai người còn lại chưa biết nằm ở đâu.
Chả biết đó có là ngày vui được không?

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Tìm thân nhân liệt sỹ Đỗ Văn Nhi

Trong quá trình tìm kiếm thân nhân là liệt sỹ, nhà cháu nhận thấy việc chia sẻ thông tin, thông báo tới những gia đình liệt sỹ khác là rất cần thiết.
Nhiều người thân vẫn ngóng chờ tin tức về các anh, các chú, các bác đã an nghỉ nơi nào đó mà không biết rằng, với thông tin kiểu như này thì không biết đến bao giờ mới tìm được nhau.
Ai có thể giúp nhà cháu chia sẻ thông tin này tới mọi người. Có ai đang tìm liệt sỹ này không?
Liệt sỹ: Đỗ Văn Nhi, quê quán được ghi trên bia mộ là Phú Hòa, Văn Tiên, Nam Mãi. Đơn vị: E368, hy sinh 06.06.1969. Đang an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ xã Tiên Hiệp, Tiên Phước, Quảng Nam.
Với thông tin thế này, cháu anh vẫn nằm đó với những đồng đội khác, những người thậm chí bia mộ đều có chung một cái tên: Liệt sỹ vô danh.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Xăng Lý Sơn và Điện Hòa Bình

Chị gái và anh trai nhà cháu trước kia học ở Hòa Bình. Trong cuốn sổ tay, chị viết: Hòa Bình - thành phố không điện. Thời đó, nhà máy chưa xây xong, không điện cũng có thể chấp nhận đưọc. Nhưng sau này, có dịp thăm viếng những gia đình bà con sinh sống ở đây, thấy nhà nhà bếp than tổ ong. Và việc Hòa Bình, nơi đặt nhà máy Thủy Điện hoành tráng, niềm tự hòa của đất nước nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh cắt điện luân phiên hay không có điện đã trở nên bình thường.

Mới đây, khi có dịp thăm Lý Sơn, một huyện của tỉnh Quảng Ngãi, nhà cháu thấy hoàn cảnh cũng tương tự.

Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam đặt tại Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Không xa Lý Sơn. Thậm chí, trước đây Lý Sơn còn là một phần đất của huyện Bình Sơn. Nhưng phải chịu cạnh giá xăng đắt hơn vài nghìn. Vô lý và nghịch lý.

Giá xăng A92 trên toàn quốc giá khoảng 20,300 đồng/lít. Giá này ở tận Mù Căng Chải hay Lũng Cú cũng như vậy. Nhưng tại sao Lý Sơn lai có giá 24,000 lít. Nhiều hôm lên đến 26,000 đồng/lít. Thậm chí 30000 đồng. Còn nhiều sự vô lý nữa dành cho dân Lý Sơn. Hôm nào rảnh, nhà cháu xin kể tiếp.

Câu hỏi dành cho anh Võ Văn Thưởng.

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Thần Tô Lịch - Long Đỗ Đại Vương

Nhằm ngày Rằm tháng 3 qua Đền Bạch Mã lễ Đại Vương. Nếu xét theo Tây lịch thì ngày này đúng 8 năm về trước, Thượng Thư họ Phạm, đã công nhận Khu Phố Cổ là di tích quốc gia. Nay bằng sắc lưu ở Đền Bạch Mã và Thượng Thư họ Phạm nay lại là Tổng Đốc vùng này.

Bạch Mã nghĩa là Ngựa Trắng. Nơi đây còn được biết đến là Đông Trấn, một trong Thăng Long Tứ Trấn.

Chuyện kể rằng Cao Biền (tiếng Trung: 高駢; tự Thiên Lý (千里); 821887) là một viên tướng của nhà Đường, thay mặt cho nhà Đường làm Thái Thú cai quản Giao Châu từ năm 866 đến năm 875 với chức vụ tiết độ sứ, đắp La Thành, mấy lần bắt đầu đều bị sụt lở.

Một đêm, Cao Biền đứng trên vọng lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi, chạy lại như bay, rồi bảo Cao Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp thành. Vì vậy, sau khi đắp thành xong, Cao Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện, gọi là đền Bạch Mã.

Đền thờ này ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm, Hà Nội.

Chuyện này còn có dị bản khác nói rằng Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng: Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?

Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồngbùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần Long Đỗ. Long Đỗ là rốn rồng.

Sau này Lý Thái Tổ dời kinh đô đến đất này, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo thần Long Đỗ. Chợt người cầu đảo thấy có ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rõ ràng tại đó và cuối cùng vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần.

Thần Long Đỗ họ Tô tên Lịch, xuất hiện vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, nổi tiếng nhân đức, hiếu thuận, được mọi người mến phục, tôn sùng.

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Thăm Cụ Long Đỗ

Cụ Long Đỗ hay còn được biết đến là Thần Bạch Mã hay có tên là Tô Lịch, Thành Hoàng cai quản một vùng với rộng lớn với bán kính cả ngàn dặm. Hôm nay, nhằm ngày rằm tháng 3, đến lễ Cụ. Cũng chính ngày này 8 năm trước, khu phố cổ được cộng nhận di tích quốc gia. Hỏi Cụ có dạy gì không? Lần đầu, Cụ không nói gì. Hai lần sau, Cụ chỉ cười. Hẹn Cụ hôm khác quay lại xin được hầu chuyện Cụ.

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Cụ Long Đỗ

Đã lâu lắm rồi không viết gì trên blog này. Hóa ra vẫn có người ngóng nhà cháu viết gì. Xem ra cũng vui, nhưng mà biết viết gì đây. Viết mà không được động chạm đến ai nhưng ai nghe cũng phải hiểu. Viết cho số đông, số ít có thể không thích. Mà số ít không thích thì cũng đáng sợ. Mà ngược lại thì cũng chả hay. Thôi thì viết về chuyện chiều nay vừa kể ở Thông Tấn Xã.

Chiều qua TTX nộp tiền ảnh mua qua mạng. Vừa mua, chưa thanh tóan nhưng vẫn bỏ tiền túi ra thanh tóan trước. Lâu không qua, kiếm cớ qua cho vui. Các bác bên đó lâu không gặp nghe nhà cháu kể chuyện, các bác cũng nhớ. Mà nhà cháu thì có biết kể chuyện đâu nhưng lần nào qua cũng phải kể cái gì đó.

Lần này kể chuyện không liên quan đến ai nhưng rất phổ biến. Đó là vì sao các dự án bất động sản ở Hà Nội lại chết. Từ ông VINACONEX xây hoành tráng thế,làm ăn phát đạt thế mà vẫn phải đền 6 ngàn tỷ (hình như thế), Sông Đà quả này nộp 10 ngàn tỷ. Rồi thì nói đến ông nào cũng thế. Chắc chỉ mấy ông nhỏ nhỏ làm ăn được. Cứ xây to là chết. Duy có cái Ciputra lại phát to.

Về nhà gieo quẻ thì thấy đúng là các bác này xây dựng đúng là có vấn đề. Vấn đề là xây cái nhà nhỏ thì cúng vái xin phép thổ công thổ địa nhưng xây cả cái thành, cái quách to đùng mà chả ai xin phép cái Cụ cai quản việc này cho nó ra hồn. Hoặc là thậm chí chả biết cụ ấy là ai.

Trước kia, Cao Biền, một Thái Thú nổi tiếng với thuật phong thủy mà cũng không xây nổi thành. Người đời mới có câu: Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non". Thế rồi Cao Biền cúng Thành Hòang vùng đất này và Người cho Cao Biên xây được Thành Đại La. Cao Biền lập đền thờ Người.

Ngày nay, thiên hạ xây đắp, phá phách, lấp lấp, đào đào, lọan cả lên, có mấy ai xin phép Người? Hoặc có đứa nào biết thì có khi lại sai gia nhân đi làm chứ có mấy người thực tâm cầu xin Người đâu.

Vì thế chết là phải thôi!?

Nghe xong, mấy bác TTX gật gù. Chả biết thằng này nói thế đúng hay sai.

Thôi, tối về đi phỏng vấn cụ Long Đỗ, xem cụ nói gì.

Cụ nói gì, mai nhà cháu lại hầu chuyện cả nhà.