Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Thần Tô Lịch - Long Đỗ Đại Vương

Nhằm ngày Rằm tháng 3 qua Đền Bạch Mã lễ Đại Vương. Nếu xét theo Tây lịch thì ngày này đúng 8 năm về trước, Thượng Thư họ Phạm, đã công nhận Khu Phố Cổ là di tích quốc gia. Nay bằng sắc lưu ở Đền Bạch Mã và Thượng Thư họ Phạm nay lại là Tổng Đốc vùng này.

Bạch Mã nghĩa là Ngựa Trắng. Nơi đây còn được biết đến là Đông Trấn, một trong Thăng Long Tứ Trấn.

Chuyện kể rằng Cao Biền (tiếng Trung: 高駢; tự Thiên Lý (千里); 821887) là một viên tướng của nhà Đường, thay mặt cho nhà Đường làm Thái Thú cai quản Giao Châu từ năm 866 đến năm 875 với chức vụ tiết độ sứ, đắp La Thành, mấy lần bắt đầu đều bị sụt lở.

Một đêm, Cao Biền đứng trên vọng lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi, chạy lại như bay, rồi bảo Cao Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp thành. Vì vậy, sau khi đắp thành xong, Cao Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện, gọi là đền Bạch Mã.

Đền thờ này ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm, Hà Nội.

Chuyện này còn có dị bản khác nói rằng Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng: Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?

Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồngbùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần Long Đỗ. Long Đỗ là rốn rồng.

Sau này Lý Thái Tổ dời kinh đô đến đất này, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo thần Long Đỗ. Chợt người cầu đảo thấy có ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rõ ràng tại đó và cuối cùng vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần.

Thần Long Đỗ họ Tô tên Lịch, xuất hiện vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, nổi tiếng nhân đức, hiếu thuận, được mọi người mến phục, tôn sùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét