Tam Đảo,
thị trấn giữa trời mây.
Tam Đảo
là tên một thị trấn, tên của một huyện nhưng trên hết Tam Đảo là tên một dãy
núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Thị trấn Tam Đảo không phải huyện lỵ. Nó là một thị trấn nhỏ
có không đến một ngàn dân với diện tích khoảng 2.1km thuộc huỵên Tam Đảo, tỉnh
Vĩnh Phúc, cách Hà Nội khoảng 90km về phía bắc. Rộng hơn, dãy núi Tam Đảo thì nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô
lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa . Ngọn cao nhất có độ cao tuyệt đối là
1.591 m.
Trước tiên, xin nói về dãy núi Tam
Đảo. Theo các tài liệu khoa học thì dãy núi Tam Đảo hình thành cách đây 230 triệu năm vào
giữa kỷ Trias do hoạt động của núi lửa phun trào dung nham làm nhiều
đợt chồng lên nhau. Các loại đá chính ở Tam Đảo là Riolit pocfia, penzit…. Dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, dài chừng
80 km, rộng từ 10 đến 15 km. Do tương đối dốc đứng,
nên trên Tam Đảo có nhiều suối và thác nước. Thác Bạc có độ cao 50m, nước sối xuống tung bọt trắng ngay cả vào mùa khô. Cũng vì
dốc đứng, nên hệ thực vật ở đây khá đa dạng và thay đổi theo độ cao. Nhiều loại
rau quả ôn đới được trồng ở Tam Đảo và cung cấp cho các vùng xung quanh, nhất
là cho Hà Nội. Càng lên cao, các loài cây thuộc họ lá kim càng
nhiều. Loài cá cóc, là động
vật đặc hữu của Tam Đảo. Vườn quốc gia Tam Đảo rộng
36.883 ha nằm
trọn trong dãy núi này. Ở Tam Đảo có nhiều tài nguyên khoáng sản, đáng kể nhất
là thiếc.
Trên dãy Tam Đảo có những di tích
văn hóa-lịch sử nổi tiếng như chùa Tây Thiên và đền Tây Thiên (còn gọi Đền Mẫu) thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu. Theo thần thoại, Quốc Mẫu Tây Thiên là do linh khí của núi rừng Tam
Đảo hun đúc mà nên.
Nói về thị trấn Tam Đảo thì vào đầu thế kỷ 20, người Pháp đã
lên Tam Đảo và xây dựng một thị trấn ở đây làm nơi nghỉ mát cho các quan chức của chính quyền
bảo hộ. Tổng cộng có 163 ngôi biệt thự kiến trúc châu Âu đã được xây dựng. Ngày nay, chỉ còn lại những móng của
những ngôi biệt thự này.
Họ hàng nhà chúng tôi sống nhiều ở
Tam Đảo. Bác trưởng họ sống ở Tam Đảo. Những người anh em họ cùng lứa với ông nội
tôi sống ở Tam Đảo, làm việc cho các gia đình Tây và gia đình quan lại. Những
thế hệ con cháu tiếp tục sinh ra và lớn lên ở đây. Chăng hạn như gia đình Bác Hựu,
con trai là anh Tư Hoạt.
Ông tôi, bố tôi thường xuyên đi Tam
Đảo thăm họ hàng.
Lần đầu tiên, tôi đến Tam Đảo vào
ngày 25 tháng 6 năm 1992 khi đó tôi đi thực tập thiên nhiên.
Mây xà xuống dọc theo các con đường.
Hoa nở khắp núi rừng và trong vườn các gia đình thôn 1.
Chúng tôi háo hức lắm. Nó là một địa
chỉ du lịch nổi tiếng. Với khí hậu lạnh ôn đới, cảnh sắc đẹp mà lớp chúng tôi
chưa ai được thấy. Cô Châu Khải thuộc tổ thực vật thì nói đường lên Tam Đảo đep
như Đà Lạt. Cả bọn càng háo hức. Đường rất hẹp. Thường thì sáng xe lên, chiều
thì xe xuống. Hai xe tranh nhau khó khăn lắm.
Chiều đó, chúng tôi đi tắm suối. Lạnh
quá, tối về sốt. Nhưng những ngày ở Tam Đảo luôn để lại bao ký ức đẹp về thị trấn
trong sương. Tối chúng tôi ngủ tại trường
cấp 1, ngày đi vào rừng thực tập và tự nấu ăn.
Chúng tôi đi khắp núi rừng để học về
phân loại thực vật, tìm động vật nhưng vui nhất là tắm truồng.
Khi đó, Tam Đảo còn hoang sơ lắm.
Trường cấp 1 vào mùa hè phục vụ cho các đoàn đi thực tập thiên nhiên. Anh hiệu
trưởng có cái xe kích Simson chạy đi chạy lại kiêm nghề chụp ảnh dịch vụ. Nhà
nghỉ có nhưng ít. Nó mang lại những cảm xúc khác lạ.
Thấm thoắt thời gian trôi đi, lần
thứ 2 tôi quay lại Tam Đảo sau đó 12 năm.
Tôi quay lại cùng bạn gái. Đường rộng
hơn và nhiều nhà nghỉ, khách sạn. Nhưng xây dựng đã lộn xộn nhiều.
Những năm gần đây, hay có dịp đi
thăm trại gấu ở chân suối, tôi lại nghe thăm thị trấn.
Có những hôm hai vợ chồng rủ nhau
lên đây chỉ để uống một cốc cà phê và ngồi đợi mây tràn xuống phố. Mây kéo xuống
rồi lại bay đi, Bay qua các tán lá thông xanh, mây bay vòng quanh nhà thờ. Cái
lạnh bất chợt và cái nắng cũng chan hoà làm cho thị trấn luôn êm dịu một cách lạ
thường.
Ở trên thị trấn Tam Đảo mới dựng
lên một ngôi chùa Phật Giáo và Nhà Thờ Công Giáo đã được phục dựng.
Có lẽ, với mọi người, Tam Đảo là một
điểm đến thú vị thì với tôi, Tam Đảo có một phần kỷ niệm của tuổi trẻ, của những
ký ức đẹp và của những tình cảm thân thương họ hàng.
Giờ đây, đến Tam Đảo đơn giản rất
nhiều. Bạn có thể đi từ Hà Nội theo hướng cầu Thăng Long đến Vĩnh Yên rồi rẽ phải
về Tam Đảo. Hoặc bạn có thể đi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và rẽ xuống đoạn
Vĩnh Yên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét