Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Cầu thủ nhập tịch và văn hoá tiểu nông của VFF.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đang bàn về việc chỉ cho phép một câu lạc bộ cho một cầu thủ nhập tịch (tức là cầu thủ gốc ngoại quốc nhưng đã nhập quốc tịch Việt Nam) được thi đấu trên sân chắc chắn là đề tài tốn nhiều giấy mực trong những ngày tới.

Trong vòng quay của toàn cầu hoá, dòng người không chỉ có đi mà có cả đến. Không chỉ người Việt đi tha hương cầu thực nơi đất khách quê người mà dòng người tìm thấy bến đỗ bình yên nơi mảnh đất hình chữ S này. Họ tìm thấy tình yêu, niềm hạnh phúc nơi quê hương mới Việt Nam của họ.

Những năm gần đây, có 9 cầu thủ nhập tịch Việt Nam và nhiều người ở các ngành nghề và lĩnh vực khác trở thành đồng bào của chúng ta dù gốc gác da trắng, da vàng, da đen hay da đỏ. Và sẽ còn nhiều người nữa tiếp tục trở thành công dân Việt Nam, trở thành con dân Việt. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp cho đất nước này, cho quê hương Việt Nam của chúng ta trong đó có tôi, có bạn và có họ.

Họ đã mang các dòng họ mới Huỳnh, Đoàn, Phan, Đinh… những dòng họ Việt. Họ là người Việt 100% theo nghĩa hiểu của pháp luật, là công dân Việt theo nghĩa hiểu của sự sẻ chia đồng bào và là con dân Việt theo góc độ văn hoá. Họ thật đáng yêu, và tôi tin rằng họ cũng thấy chúng ta, đất nước Việt Nam đáng yêu để họ gửi gắm nỗi lòng, gửi gắm tình yêu, gửi gắm số phận, tương lai và gia đình của họ nơi đây. Họ ôm lấy tình yêu quê hương mới vào lòng và mong muốn được đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, quê hương Việt Nam ôm lấy họ.

Hiến Pháp và Pháp Luật Việt Nam quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vì thế không thể đưa ra bất kỳ một lý do gì, cơ sở pháp lý gì để phân biệt họ với những công dân khác. Họ là công dân như mọi công dân khác.

Tôi tin rằng, cho dù VFF có đi đến quyết định cuối cùng về vấn đề chỉ cho phép một cầu thủ nhập tịch thi đấu trên sân thì cũng sẽ bị các cơ quan chức năng như Bộ Tư Pháp phản đối. Họ được bình đẳng như mọi công dân Việt Nam khác trước pháp luật và phải được bình đẳng trong suy nghĩ, quan niệm và hành xử.

Câu chuyện xảy ra đầu thế kỷ 20 ở làng Tự Nhiên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội chừng 20 dặm về phía Nam. Khi đó làng Tự Nhiên bầu tiên chỉ. Một chức vụ cao nhất trong làng vào thời kỳ ấy. Cụ Đội Thi và cụ Đội Tri cùng ứng cử. Kết quả bầu thì cụ Đội Thi trúng tiên chỉ. Cụ Đội Thi đã khao làng và chuẩn bị nhậm chức. Cụ Đội Tri cũng chúc mừng cụ Đội Thi. Nhưng xem ra cánh anh em nhà cụ Đội Tri không chịu. Họ kiện lên quan và cho rằng cụ Đội Thi không phải là người làng. Dòng họ nội tộc của cụ Đội Thi bên kia sông (tức là quê ở bên Phủ Khoái, thuộc Hưng Yên) cho dù tổ tiên của cụ đã sống, sinh cơ, lập nghiệp nhiều đời ở làng này rồi. Với ý kiến của Tổng Đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm, Quan Phủ Thường Tín lúc đó quyết định cụ Đội Thi không được làm tiên chỉ nữa và cụ Đội Tri đương nhiên sẽ trúng. Cụ Đội Thi không được làm tiên chỉ bởi quan niệm về gốc gác thời kỳ đó với những suy nghĩ và hành xử lạc hậu của văn hoá tiểu nông làng xã.

Roberto Fujimori, gốc Nhật làm Tổng Thống Peru, Barack Obama có cha gốc Phi làm Tổng Thống Mỹ. Một Sarkozy gốc Hungary làm Tổng Thống Pháp, M Albright gốc Tiệp Khắc làm ngoại trưởng Mỹ..vv và vv…. Gần đây nhất là Bác Sỹ Quân Y Philipp Roesler, gốc Việt Nam, làm Bộ Trưởng Y Tế Đức.

Trong bóng đá chúng ta đều thấy một Anelka hay Henry da đen đã cống hiến hết mình cho đội bóng Pháp, một Zidan được người ta biết đến là đội trưởng của đội bóng áo lam chứ có ai nhớ đến anh gắn với đất nước Algeria đâu đó ở Châu Phi gốc gác của anh. Một Andy Cole da đen gắn với đội bóng tam sư (Anh) hay một đội Hà Lan với rất nhiều cầu thủ da màu…

Không hiểu các cá nhân khởi sướng ý tưởng này của VFF cùng nhiều ủng hộ viên khác, họ nghĩ gì? Họ đang sống ở thời đại nào? Phải chăng đó là tệ phân biệt chủng tộc?

Tôi dám cá với ai 100 cốc bia nếu quyết định của VFF không bị Bộ Tư Pháp thổi còi. Tôi tin ở sự hiểu biết và văn minh của những người làm ở Bộ Tư Pháp Việt Nam. Tôi tin là họ sẽ hành động kịp thời để những người có quyền quyết định tại VFF không thể đưa ra quyết định, mà quyết định đó mang sắc thái văn hoá văn minh tiểu nông làng xã cách đây cả thế kỷ. Từ Trần Phú (trụ sở Bộ Tư Pháp) tới Lý Văn Phức (trụ sở VFF) chỉ 5 phút đi bộ, chắc họ (Bộ Tư Pháp) sẽ không để những thứ văn minh hành xử lạc hậu của hàng trăm năm trước tồn tại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét